Tại Việt Nam Thuần phong mỹ tục

Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp tìm cách xóa bỏ nhiều truyền thống văn hóa của Việt Nam nhằm đồng hóa người Việt. Người Pháp tuyên truyền rằng các phong tục văn hóa của người Việt đều là "cổ hủ, lạc hậu", người Việt muốn văn minh thì phải "Âu hóa, xóa bỏ nếp cũ, học theo phương Tây". Xã hội Việt Nam bị rối loạn về giá trị, nhiều nét văn hóa trở nên lai căng, đạo đức suy đồi. Nhiều người nhân danh "văn minh", "tiến bộ", "cải cách xã hội" nhưng thực chất là phủ nhận văn hóa, đạo đức truyền thống để biện minh cho sự tha hóa, hưởng lạc. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã lên án điều đó trong tác phẩm nổi tiếng Số đỏ. Năm 1930, học giả Trần Trọng Kim nhận định:

"Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người Việt mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử cái xấu, cái dở của mình thì chưa chắc đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả.[7]

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nguy cơ "xâm lăng văn hóa" của các nước tư bản phát triển đối với các quốc gia chậm phát triển như Việt Nam là rõ ràng. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, giữ gìn thuần phong mỹ tục đã trở thành vấn đề nan giải và thực sự là một thách thức. Các văn hóa phẩm, phim ảnh của các nước phương Tây (nhất là tác phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, bạo lực), các phong trào cổ xúy đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính... đang tràn vào Việt Nam. Các tác phẩm điện ảnh, ca nhạc Việt Nam cũng đã có hiện tượng sử dụng "cảnh nóng" và các hình ảnh ăn mặc hở hang để câu khách. Chúng sẽ làm cho bản sắc dân tộc Việt Nam bị mai một, đạo đức người Việt sẽ trở nên suy đồi nếu Nhà nước Việt Nam thiếu chiến lược bảo vệ và phát huy thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trước “nguy cơ tha hoá” đó, để không đánh mất bản sắc dân tộc, không trở thành “bản sao chép của người khác”, việc du nhập và kiểm duyệt những sản phẩm văn hóa phải được đặt trên nguyên tắc "tiếp thu có chọn lọc", kiên quyết loại bỏ những sản phẩm không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.[8]

Một số thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy như:

  • Tôn trọng người già, lễ phép với người lớn tuổi, quan niệm “kính lão đắc thọ”
  • Người già nâng đỡ người trẻ, với quan niệm “Con hơn cha là nhà có phúc”.
  • Cẩn thận trong lời nói, “Ăn có nhai nói có nghĩ”, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”
  • Ghi nhớ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", biết kính trọng tổ tiên, quý trọng các anh hùng dân tộc, ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc.
  • Truyền thống "Tôn sư trọng đạo", biết quý trọng người dạy học.
  • Coi trọng đạo đức và nếp sống văn hóa, chống lại những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc...
  • Truyền thống trang phục kín đáo đoan trang, nhất là với người phụ nữ. Không chấp nhận lối ăn mặc hở hang, phô bày cơ thể tại nơi công cộng; không chấp nhận những hình ảnh nam nữ ăn mặc hở hang, khiêu dâm trên sách báo, điện ảnh, truyền hình.
  • Coi trọng truyền thống hôn nhân, việc dựng vợ gả chồng có sự chung sức đóng góp của 2 bên họ hàng. Vợ chồng chung sống với nhau biết yêu thương, nhường nhịn nhau, người vợ biết hy sinh sở thích cá nhân để chăm lo cho chồng con, người chồng biết gánh vác công việc khó nhọc vì vợ con.
  • Quan hệ yêu đương nam - nữ phải có tôn ty trật tự, đôi bên phải tôn trọng và giữ gìn cho nhau, tình cảm trong sáng được đề cao, biết giữ gìn trinh tiết; không chấp nhận những hành vi không đứng đắn như yêu nhiều người cùng lúc, yêu để lợi dụng, quan hệ tình dục trước hôn nhân...